Tết Dương lịch vừa qua đi thì chúng ta lại tất bật chuẩn bị cho dịp lễ Tết Nguyên đán 2023. Đây là dịp để mọi người về thăm gia đình, vui chơi, họp mặt bạn bè. Vậy tết nguyên đán mang ý nghĩa gì, bắt nguồn từ đâu, cùng In Nhanh Hcm tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé !
Nguồn gốc của tết nguyên đán
Tết Nguyên Đán có nguồn gốc lịch sử như thế nào đến nay vẫn còn là vấn đề đang được tranh cãi.
Hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.
Tết nguyên đán là gì
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam.
“Tết” là cách đọc âm Hán – Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tết Nguyên Đán”.
Ý nghĩa của ngày tết nguyên đán
Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, nhân văn,… Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.
Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,… và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ.
Phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam
Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn,…
1) Cúng ông Công ông Táo
Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
2) Lau dọn trang trí nhà cửa
Các gia đình ở Việt Nam đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ vật sạch sẽ trong những ngày cuối năm với ý nghĩa sắp xếp lại những điều chưa ổn thoải, xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn.
3) Gói bánh chưng
Bánh chưng là món ăn truyền thống có từ thời vua Hùng và không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt cho tới ngày nay. Các gia đình thường gói bánh chưng từ những ngày 27, 28, 29 Tết, đây cũng là một món quà biếu ý nghĩa cho họ hàng và bạn bè trong dịp này.
4) Mâm ngũ quả ngày tết nguyên đán
Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.
Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại quả khác nhau, nhưng truyền thống văn hóa này ở các miền Bắc, Trung, Nam có những đặc điểm khác nhau.
5) Thăm mộ tổ tiên
Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
6) Đón giao thừa
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Ngoài những sự chuẩn bị đó ở Việt Nam còn có những tập quán như: đi chùa, xông đất, lễ hội,…
Gợi ý quà tặng tết nguyên đán
Bên cạnh việc trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết để chuẩn bị vật dụng trong nhà thì việc mua quà tặng Tết cũng là vấn đề mà mọi người quan tâm. Tùy theo từng đối tượng nên tặng quà như người thân, đồng nghiệp, bạn bè, sếp hay đối tác mà chúng ta sẽ chọn những món quà thích hợp.
- Cây, hoa mùa xuân: Điển hình như hoa mai, đào, cúc vàng,… Đây là sự lựa chọn tặng quà Tết cho người thân mang ý nghĩa chúc may mắn, phát tài,…
- Bánh chưng, bánh tét: Phong tục gói bánh này là một nét văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Việc tặng người thân đôi bánh chưng, bánh tét để thờ cúng tổ tiên và cầu mong sự ấm no, đầy đủ.
- Quần áo mới: Đối với người thân lớn tuổi, bạn có thể lựa chọn tặng chiếc khăn lụa, áo mới,… nhằm cầu chúc người lớn luôn mạnh khỏe.
- Giỏ quà Tết: Đây là một trong những món quà Tết mà bạn có thể tham khảo để tặng cho bạn bè, đồng nghiệp để thể hiện tình cảm gắn bó với nhau.
- Trái cây Tết tạo hình: Hiện nay có khá nhiều loại trái cây tạo hình đẹp mắt như bưởi hồ lô, bưởi bàn tay Phật, dưa hấu thỏi vàng,… mà bạn có thể chọn làm quà biếu sếp hoặc đối tác.
- Thiệp tết chúc tết: Là một trong những món quà ý nghĩa không thể thiếu vào dịp đầu năm để dành gửi tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp những câu chúc tốt đẹp nhất. Các cơ quan doanh nghiệp gửi đến đối tác, khách hàng.
Ngoài những món quà đó, thì tết còn có phong tục lì xì mà gần như các nước Châu Á đều biết đến. Và ai cũng cũng mong chờ.
Thời gian của tết nguyên đán được tính như thế nào
Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính vào ngày của Âm lịch, muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 19/02 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.
Tết Nguyên Đán diễn ra vào thời gian nào hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 – 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Hy vọng qua bài viết trên của In Nhanh Hcm, sẽ giúp bạn đã hiểu thêm về ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc. Chúc các bạn có một năm mới an khang, thịnh vượng nhé!
Bên mình sẽ up thêm những bài tương tự trên fanpage các bạn theo dõi nhé!